Câu “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”, như tớ được biết, là 4 thú chơi của người Việt xưa. Dĩ nhiên thời nay, vị trí này đã thay đổi phần nào, tuy nhiên 4 thú chơi vẫn được giữ nguyên vẹn. Cũng có những câu chữ khác Nam Bộ hơn, như “ Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng”, mà kiểng hay mộc, có thể hiểu ngoài thú chơi đồ gỗ, còn là thú chơi cây, chơi kiểng của dân ta.
Nếu không phải dân sành chơi những khía cạnh này, đôi khi họ sẽ xem là đốt tiền, như việc đốt vào đá phong thủy, bài tarot của tớ vậy. Thế nên, để tớ giải thích cho cậu nghe vì sao phải là 4 món này, chớ không phải lụa tơ tằm, hay ngọc trai đen nhé. Vì dĩ nhiên, mỗi nền văn hóa đều sẽ có những thú giải trí khác nhau.
Dân gian vì sao truyền tai nhau câu nói “nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc?”
Ngoại trừ đối mặt với bộ bàn ghế, bàn thờ rồng phượng, thì gia đình tớ còn có sở thích sưu tầm cây kiểng. Mỗi năm đều sẽ nhận nuôi đâu đó vài gốc cây có hình thù kì lạ mà bố tớ bảo là nghệ thuật, và mỗi tháng đều phải di chuyển chậu cây theo mùa. Bố tớ luôn dành cả ngày để chăm sóc như con, từ cắt tỉa, uốn nắn, đến chăm phân, đổi đất.
Với những chậu be bé còn đỡ, chớ mấy chậu mai cao hơn đầu người, phải dùng đến xe đẩy, xe cẩu, thì luôn là cả một vấn đề lớn. Nhưng đam mê là một thứ gì đó khó nói được. Nhà tớ có đâu đó vài chục gốc, tớ còn chẳng phân biệt được cây nào với cây nào, thế mà bố tớ rất sẵn lòng để chúng nó ở những nơi hợp địa nhất. Lan thì phải có lưới lọc nắng, mai thì phải đón nắng, sứ thì phải tách nước, mà lộc vừng thì cần tỉa lá. Cũng chẳng phải cây nào cũng được tưới, cây nào đang trong giai đoạn ăn kiêng, bố tớ biết hết.
Mẹ tớ lại thích hoa, nếu không phải hồng thì lan địa, hoặc mấy cây hoa leo tim tím mà mẹ tớ săn đâu đó trên vườn kiểng. Ngày trước còn chơi lan nữa, mẹ tớ sẽ chăm chút từng nhành hoa, không nỡ để bọn nó bị va chạm. Cái hồi chơi lan ấy, phân bón cho nó còn tốn 1 vài khóa học, số lượng và định lượng phải chăm cho bọn nó mỗi ngày còn phức tạp hơn món tớ được ăn.
Cũng may là cái dàn Lan Hồ Điệp đó cũng bị bọn trộm cuỗm mất, tớ cũng thong thả được phần nào. Nhưng tớ cũng luôn thắc mắc, ràng bố mẹ luôn rất vui vẻ, phấn khởi mỗi lần xuống tiền cho một cái cây yêu thích nào đó. Ngay cả khi bọn nó có giá trị ngang với đồ hiệu của bọn trẻ bây giờ.
Âu cũng là đam mê.
Và đó là tứ kiểng, hay tứ mộc. Thú chơi được xếp vào cuối cùng ở câu này. Nếu cậu ở Sài Gòn, thì mỗi năm ở công viên trung tâm, đều có 1 cuộc thi kiểng. Nơi mà những anh tài khắp Việt Nam gửi gắm những sản phẩm được chăm chút kỹ lưỡng. Giá cả cũng không phải dạng vừa, đủ hiểu tại sao ngày nay, thú chơi kiểng lại thịnh như vậy, bởi người ta sẵn sàng bỏ vài chục đến vài trăm triệu cho từng gốc cây đoạt giải ấy. ( thoại vài tỷ thì thôi, không nhắc đến)
Bởi vậy, nếu người chơi kiểng không có đủ kiến thức, thì dễ bị lừa bởi những hàng ép, dễ chết, cũng bởi cái giá vô cùng kì lạ của loại hình này.
Ta có thể thấy ở thời nay, tứ mộc lại là bộ môn thịnh hành nhất so với chữ, tranh hay sành, thế lại cần lội ngược dòng thời gian, vì sao ngày xưa họ lại xếp thú chơi chữ, tranh thư pháp là môn thịnh hành nhất nhé.
Vào thời Lý, khi hệ thống chính trị được thay đổi, đưa chữ nghĩa vào nhân dân, đưa dân thường vào bộ máy nhà nước, thì lúc này chữ như một cú sốc quét sạch toàn bộ đất nước.
Dân thường cả đời lam lũ, vốn chưa từng dám mơ rằng, chỉ cần chăm chữ nghĩa cũng có thể được làm quan, cả đời no đủ mà dòng họ còn được nhờ. Bởi trước đây, tầng lớp được phép tiếp xúc với chữ nghĩa, nếu không phải vua chúa thì chỉ có sư tăng, khi thời này văn hóa hội nhập trung hoa cực kì thịnh, người tu hành vô cùng được trọng vọng.
Bỗng nhiên, dân thường xem chữ nghĩa là lối thoát duy nhất cho cuộc đời họ. Hẳn cậu đã nghe rất nhiều câu chuyện, người ta rất sẵn lòng ôn thi 3 năm 1 lần, để quyết đỗ trạng nguyên. Nhiều người rất già cũng không thoát ra nỗi khỏi giấc mơ đó, bởi nếu không làm quan, chỉ có thể quay lại lao động tay chân, hoặc buông bán thương nhân, những ngành chẳng được địa vị.
Những kì thi tuyển dụng nhân tài này thường rất long trọng, từ thời Hậu Lê, vua đã đích thân ra đề, chấm thi. Và một khi đã đỗ rồi, thì đãi ngộ rất hậu, cả áo hốt, yến tiệc, là một điều gì đó vô cùng hậu hĩnh, đủ để người ta phải dành cả đời để tôn cho chữ nghĩa.
Hồi đấy, người ta dùng chữ Nôm, hoặc Hán – Nôm, nên tất cả những bài văn, thơ, hay chỉ cần đặt bút xuống cũng được gọi là thư pháp. Rất khác với bây giờ khi chữ nghĩa được thay thế bằng quốc ngữ, và vô số cách để thể hiện nó, không chỉ dùng đến mực và bút lông.
Nhưng hồi đó, thì chỉ mỗi phương thức này thôi. Nên người học chữ, tiên quyết ban đầu là chữ phải đẹp. Bởi cậu thấy ngày nay, người ta vẫn thường lôi các bút pháp trích dẫn từ các điếu văn của các nho sĩ ngày xưa ra phân tích là vậy. Không ngoa khi nói rằng, học hành thi cử ngày đó là ngành trend nhất, không những có tiền, có địa vị, mà còn có tư duy mở mang, được cho là công cụ thứ 2 để kiểm soát quốc gia, thay vì dùng võ thuật, vũ lực.
Vậy nên, có quan võ thì phải có quan văn. Địa vị như nhau, đãi ngộ ngang nhau. Ấy viết đến dòng này, cũng phải biểu dương cho tư duy chiến lược của Lý Thái Tổ, người đã mở đường cho chữ nghĩa len lỏi khắp ngõ ngách của thường dân.
Và thú ngâm thơ, chơi chữ, viết văn cũng là đam mê mà chỉ có nhà giàu, dân học thức mới mơ đến. Người ta hay tổ chức các cuộc thi nho nhỏ, đàm đạo thơ ca ở tửu lầu, quán trà đạo. Vua đối đãi với cận thần cũng qua thơ ca, trai gái tỏ tình nhau cũng thông qua những con chữ nắn nót.
Vì sao thư pháp lại là bộ môn độc đáo nhất, thanh cao nhất trong bốn thứ?
Khác với tranh, sành hay kiểng, dù tất cả đều là nghệ nhân, nhưng chơi chữ nghĩa lại là thứ nghệ thuật thanh tao hơn, ấy cũng do vẻ ngoài đạo mạo của người học chữ, và cũng bởi bộ môn này khá nhẹ nhàng về lao động, hơn hẳn 3 bộ môn còn lại. Nhưng lại có sự đào sâu suy nghĩ trừu tượng và thấu hiểu hơn hẳn các môn kia.
Dần dần, chữ nghĩa ăn sâu vào tư duy của người dân, hiền tài nhiều hơn, mà giao tế giữa các quốc gia cũng vững vàng hơn. Người ta quan niệm con trai phải biết chữ, tiểu thư khuê cát lại càng phải đọc được sách thánh hiền, biết nhiều câu đối câu thơ. Chữ lúc này tượng trưng không chỉ là tầng lớp, mà còn là trí tuệ, học thức, nhân cách con người.
Thương nhân cần nó để mua bán thuận lợi, nhà sư cần nó để truyền bá tư tưởng, lúc này không chỉ có học giả, người có địa vị cao trong xã hội, mà bất kể ngành nghề nào, ngõ ngách nào cũng cần đến chữ, thể hiện địa thế vững chắc trong lòng của bất kì ai. Họa may, người ta chỉ phân biệt người nào nhiều chữ, người nào ít chữ, chứ hoàn toàn không biết chữ thì vô cùng hiếm hoi.
Đúng như sự tịnh tiến và phát triển của xã hội. Khi tranh, sành, mộc, mở một số khía cạnh, con người, họ không cần biết đến cũng được. Nhưng một khi đã gia nhập vào đoàn mưu sinh, thì nhất định phải biết chữ, không nhiều thì ít. Đến kẻ hầu, người hạ cũng cần đến chữ, dù suốt đời đầu tắt mặt tối phục vụ chủ nhân.
Lúc này, chữ không còn là một thú chơi tiêu khiển, mà bắt đầu trở thành công cụ thiết yếu trong cuộc sống. Nhưng cần biết rằng, trường học thời phong kiến không có phổ cập và bắt buộc như hiện tại, mà tự phát là nhiều. Bởi lẽ, Quốc Tử Giám là trường công đầu tiên dành cho giới hoàng tộc, thì dân thường không có tiền, làm sao mà biết chữ?
Nhu cầu chữ nghĩa lại chưa bao giờ giảm, thông qua quá nhiều động lực. Cho nên, những năm đầu nhà Lý, trường học thường được mở ra dưới 2 dạng:
Một là các học giả thi trạng không đỗ, quan lại nghỉ hưu, bị sa thải, sẽ mở ra những lớp học chữ nhỏ để kiếm sống, tiếp thêm ước mơ của những đứa trẻ của nhà nông muốn tiếp tục đợi thi trạng nguyên.
Hai là các sư thầy ở chùa, mở lớp dạy chữ, truyền giáo. Như tớ đã đề cập, tầng lớp sư thầy là một trong những tầng lớp biết chữ sớm nhất, thông thạo ngang tất cả các bậc quý tộc vua chúa bấy giờ.
Nếu không có điều kiện, học lõm, học một vài chữ thông qua quá trình giao tiếp xã hội vấn thường hay diễn ra. Tóm lại, khi đi chùa xin sâm cũng cần biết quẻ cát hay hạ, mà bán buông ghi giấy nợ, giấy tờ chuộc thân cũng phải có vài con chữ lận lưng.
Kết lại thoại này, khi con chữ đã trở nên vô cùng quan trọng ở xã hội phong kiến lúc bây giờ, thì hiển nhiên thú chơi chữ, viết câu thơ, câu đối lại càng phổ biến, được để cao hơn bao giờ hết.
Có những câu chuyện khá vui, khi các anh tài muốn chọn vợ, họ thường tổ chức các buổi so tài chữ nghĩa mà nơi đó, các chàng trai sẽ viết câu đối của mình lên giấy trước, chờ ý trung nhân đến và viết câu đối còn lại.
Cô gái gia đình trung lưu nào muốn tìm chồng tài, gửi gắm thân phận vợ trạng nguyên, thì có thể đến những buổi giao lưu này để so tài chữ nghĩa. Khi mây tầng nào hợp gió tầng đó, chữ đẹp nghĩa bồi đắp đủ đầy, tự động cặp đôi ấy sẽ nên duyên.
Cơ mà cũng chỉ có gái nhà trung lưu mới được chọn chồng theo kiểu này, khi bản thân cô ta cũng cần là bậc anh tú biết chữ nghĩa. Chớ bình thường thì nếu không phải kết giao gia tộc, hay làm thê thiếp, tì nữ hầu hạ cho nữ chủ, hoặc dân bán buông cũng không có cơ hội tham gia.
Phi tầng trong cung vua, mỗi đêm thưởng lãm ngắm trăng, để vui lòng ngài cũng sẽ tỉ thí các câu đối. Vị nào vừa đẹp sắc vừa giỏi chữ, tự nhiên sẽ được sủng ái. Còn công chúa, ngoại trừ học các bộ môn nữ công gia chánh, chữ nghĩa lại càng phải uyên thâm, để sau này kết giao thông gia giữa các nước còn làm đại diện nở mày nở mặt vua cha.
Phải nói rằng, thư pháp, hay ta chỉ cần gọi là chữ nghĩa thời xưa đứng nhất là khả dĩ. Bởi cái vị thế quá vững vàng của nó. Nên có thể hiểu vì sao dân gian lại lưu truyền câu nói “ Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” là vậy.
Khi xã hội dần thay đổi, người ta không còn phải dùng bút lông nữa, trường học mở ra nhiều hơn, cách tiếp cận chữ của người dân cũng dần thay đổi, dần biến thư pháp trở thành một bộ môn riêng rẽ, không còn như một nền tảng trong lòng người dân.
Nhưng để bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử, cũng như phát triển được cái hay của chữ nghĩa, mà thư pháp vẫn ở lại, đồng hành tịnh tiến cùng xã hội hiện đại. Đây dần trở thành một nét văn hóa lâu đời, và cũng có những vị thế của riêng mình, như 3 bộ môn còn lại.
Tuy nhiên, khác với 3 thú chơi tranh, sành, kiểng ( mộc), thư pháp đối diện với thách thức lớn hơn đến từ các phương tiện thể hiện ngôn ngữ của hiện đại, như bút bi, văn bản số, hoặc các phần mềm hỗ trợ mô phỏng ngòi bút. Thế hệ quan tâm đến viết chữ truyền thống dường như cạnh tranh với thế hệ sinh ra cùng công nghệ. Khi mối quan tâm đến thư pháp lớn hơn, và có nhiều cách để viết ra một bức thư pháp chữ đẹp hơn là truyền thống.
Tuy nhiên, theo một cách nói nào đó, thì công nghệ vẫn có những giới hạn nhất định để hỗ trợ việc học tập kỹ thuật, mà chỉ có phương pháp truyền thống mới có thể làm được. Dẫu sao, ApplePencil vẫn không thể đáp ứng được nâng đỡ cảm xúc thực tế của người viết, so với bút lông thuần túy. Và cảm giác chạm vào màn hình cảm ứng vẫn không thể sánh bằng chạm vào giấy, hay vải.
Dù công nghệ ngày càng phát triển, tranh vẫn tồn tại dưới hai hình thức song song: tranh thuần túy vẽ bằng tay và tranh số được tạo ra từ các phần mềm hỗ trợ. Đối với sành, chúng ta cũng có hai loại: một là những tác phẩm được tạo ra bởi nghệ nhân, và hai là sản phẩm sản xuất hàng loạt từ nhà máy. Có lẽ chỉ có mộc là chưa bị thách thức bởi công nghệ. Tuy nhiên, thư pháp vẫn được các thư pháp gia truyền thụ và gìn giữ một cách nghiêm túc và bền bỉ, nhằm bảo tồn những giá trị tinh thần và văn hóa quý giá.
Tóm lại, khái niệm “ nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng” vốn đã không còn phù hợp với văn hóa hiện đại, cũng như trào lưu đi theo sự phát triển của xã hội. Nên thay vì so sánh thú vui nào tao nhã hơn, ta hãy nhìn nhận mỗi đam mê đều có những lẽ riêng, sự độc đáo riêng, và niềm yêu thương nghệ thuật chung.
Bởi khi nhìn nhận một cách công bằng, ta mới đủ khả năng để hiểu thấu từng nếp gấp lịch sử sâu sắc, đến các bộ môn vui thú của người Việt Nam ta, để dậy nên những đam mê tiềm ẩn, hoặc những sự tôn trọng nhất định đối với những nghệ nhân vẫn đang ngày ngày bảo tồn và phát triển sự dồi dào phong phú của văn hóa này.
Đăng nhận xét