Thanh Phong Bùi Khắc Sáng

Bùi Khắc Sáng

Nghệ sỹ thư pháp - Nhà sáng tạo nội dung
  • Emailvnthudao@gmail.com
  • SĐT0966 966 007
  • Sinh nhật25 Tháng 4
  • Quê quánNam Định, Việt Nam

Thư pháp chữ Sống và bài thơ của thầy Thích Hạnh Hải

Thư pháp chữ Sống tại Hà Nội

Sống không giận không hờn không oán trách

Sống mỉm cười với thử thách chông gai

Sống vươn lên cho kịp ánh ban mai

Sống chan hòa với những người chung sống.


Sống là động nhưng lòng không xao động

Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương

Sống hiên ngang danh lợi mãi coi thường

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.

Thích Hạnh Hải


Bài thơ này nổi tiếng nhất ở câu cuối : 

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. 

Thư pháp chữ Sống tại Hà Nội đẹp chuyên nghiệp


Và theo tớ tìm hiểu, thì tác giả bài này là của Thích Hạnh Hải.

Đã có rất nhiều bài phân tích khá hay và chi tiết dưới góc nhìn của nhà Phật về bài thơ này. Nên tớ xin phép không phân tích dưới góc độ nhà Phật nữa, mà sẽ đi sâu vào ở một góc nhìn khác mới mẻ hơn.

Thực chất, ở bất cứ nền tôn giáo nào, cũng sẽ học được giáo lý này, và nhà Phật cốt chỉ là một hướng đi. Nên đôi khi, sẽ là không thích hợp, nếu bó buộc mọi thứ trong một tôn chỉ nhất định, và tôn sùng nó.

Thực chất, mở đầu bài thơ đã rất kì lạ 

“ Sống không giận, không hờn, không oán trách” – Giận, hờn, và oán trách là một chức năng cảm xúc của con người. Thật kì lạ khi tác giả lại bãi bỏ nó, và bảo thế mới là nên sống. Không phải vậy, nếu một cái cây cần rụng lá, thì sống cũng cần giận, cần hờn, cần oán trách.

Biết giận, biết hờn, biết oán trách, mới là biết sống, cuộc đời tu hành không chỉ mãi ở trong chốn chùa linh thiên, ngày ngày tụng kinh gõ mõ không động đến thế gian. Đó là một trong những giới hạn của nhà Phật, khi họ chọn tách biệt khỏi xã hội đầy biến động.

Như thế cũng là một hướng đi đúng, nhưng mấy ai mà có ý chí như Ngài?

Cho nên, đã Sống, thì cần giận hờn, cần oán trách. Bởi lẽ cái việc khó chịu nó giúp thúc đẩy quá trình hành thiền và giác ngộ, nó không xấu, chỉ là cách chúng ta chủ động hiểu và kiểm soát nó như thế nào. Bởi vậy, ở đoạn thứ 2 câu đầu tiên mới có 

“ Sống là động nhưng lòng không xao động”

Thư pháp chữ Sống tại Hà Nội đẹp


Chúng ta không thể dừng phát triển hay trưởng thành, cũng không thể tự chối nghiệp quả, duyên nợ. Sống, không phải là nhốt mình trong 4 góc phòng, hạn chế đối diện chông gai thử thách, nên sống mới là động.

Cuộc sống mà không có hỷ, nộ, ái , ố là một cuộc sống chết. Sống tưởng như đã chết. Bởi đâu có ai mà giữ tâm thân vui vẻ được cả ngày? Chúng ta nào phải tượng đá, cũng chẳng cần sống như tượng đá.

Khi còn ở nhân gian, chưa lên được niết bàng, như nhà Phật ở một giai đoạn nào đó hay rao giảng, phải luôn ý chí kiểm soát thế nào để lòng không xao động. Sao mà được? Vốn dĩ, chỉ có thể giữ cái khả năng hồi phục, tức là cho phép xao động, và cho phép tĩnh lặng.

Kì lạ là, đến cả mặt hồ còn có lúc tĩnh lúc động, thì làm sao cái bản ngã như con thú hoang rơi cương lại có thể không xao động? Há chăng, đó chỉ là cái mong muốn, một cái mong muốn như lên được niết bàn, như khống chế được bản ngã, khá kì cục, khổ luyện.

Cho nên, cả 2 câu đầu của cả 2 đoạn thơ, ấy đều có vẻ là hữu danh vô thực với người mới tu. Bảo người ta phải gồng mình chống trả thế giang này, chống trả sự sống vốn dĩ, ấy sao không chung sống hòa bình thôi? Tức giận rồi thôi, không để vấn vương lại. Hận thù rồi thôi, hết cơn thì buông xả? Xao động rồi thôi, một lúc lại an tĩnh lặng.

Nhà Phật quá nổi tiếng với luật nhân- quả. Nên khi tớ nói vấn đề này, họ sẽ ngỡ ngàng, bậc ngửa. Như thế chẳng phải rước thêm nợ oan gia cho mình sao? Cứ không khống chế cảm xúc, lỡ tạo ra những việc hối tiếc thì sao?

Cậu có nghe chàng trai Tôn Bằng đánh vợ mình bởi không kiểm soát được thu nhập của cô ấy? Đấy, “ giận mất khôn”, nhưng, nếu chàng trai biết ân hận, sẽ có cái duyên sửa mình. Đừng cấm, cứ để mọi cảm xúc diễn ra. Mọi thứ không thoát nỗi vòng tròn luân hồi, anh ta sẽ phải trả giá, nhờ cái trả giá mà giác ngộ, tỉnh thức. 

Thư pháp chữ Sống chuyên nghiệp đẹp


Phật Giáo có câu quáng tâm là vậy, phải giận để biết mình giận, nhờ biết mình giận mới biết hiểu, biết sửa, biết lớn lên. 

“ Sống mỉm cười thử thách với chông gai

Sống là thương nhưng là chẳng vấn vương” 

Tiếp theo, câu thứ 2 của cả 2 đoạn thơ. Cũng khá kì lạ. Có ai đối diện với thử thách chông gai mà lại mỉm cười? Ví như thế này, cuộc đời có những điều sinh ra là để buồn. Vì sao ta lại đối diện với nó bằng 1 cảm xúc khác? 

Tớ không thích nhà Phật ở điểm này, rằng họ sẽ luôn sống không giống với tạo hóa, và cho rằng như vậy là thanh cao. Giống như nước trên thác, và nước dưới ao hồ. Đó là một cách cực khổ, tu khổ luyện, khổ hạnh. 

Nhưng thực sự có cần khổ luyện mới cảm nhận được sự Sống? Không, theo tớ là không. Tớ là đứa con của nhà thiền, tớ tôn trọng tạo hóa, và tớ không có nhu cầu khống chế bản ngã, hay tâm thân của mình.

Tớ không nghĩ kiểm soát là tốt. Hàng năm lịch sử, kiểm soát chỉ gây nên xung đột, ta hãy điều khiển nó. Thử thách chông gai là để buồn, để tức giận, để thúc dậy cái bản ngã của người ta lên. Cho nên, phải có những sự xao động mạnh mẽ ấy, chúng ta mới nhận ra nghiệp quả, mới biết sửa thân sửa tâm. Đừng mỉm cười! Mỉm cười thật giả tạo, cười ta chỉ mỉm cười khi người ta hạnh phúc, đừng dùng nụ cười tươi sáng ấy để đối diện thứ phải có bản lĩnh mới vượt qua được.

Đừng Sống như không sống, phải sống thật với cảm xúc của bản thân. Vì nếu chông gai, ta tức giận, gào thét cũng có sao? Mặt hồ nào cũng có những trận cuồng phong gió xoáy, rồi cũng sẽ lại tiếp tục yên ả. Giả tạo đến bao giờ? Cười đến bao giờ? Dùng sức để giật dây cương của một con ngựa hốt hoảng để làm gì? Để nó điên lên à? 

Chông gai luôn phải đối diện, như một cái cây cần nắng và gió để phát triển. Có những chông gai như thất nghiệp, ruồng bỏ, phản bội. Những áp lực như đói và khát, những cùng cực như trầm cảm, hay nợ nần. Thử hỏi, nụ cười ở đây giúp được gì? Tu sĩ, đúng là có bản lĩnh, vì họ xem nhẹ nghiệp nợ, từ đó mà vượt qua. Cơ mà, ngoại trừ tu sĩ ra, thì cái tâm thế đối diện với chông gai nên là hoảng loạn, như đúng tạo hóa. 

Dần dần, sau hoảng loạn mới là bình tĩnh. Cái bản lĩnh là thứ dung dưỡng, không phải do sức ép mà có. Nhờ hoảng loạn mới bình tĩnh, hay nhờ mỉm cười mà bình tĩnh, thì phải do chính người đó. Bởi vậy, tu sĩ mới có Phật rọi đường, để không đi lạc. Thiền nhân lại tin vào tự nhiên, nhờ đó mà để trôi theo dòng đời. 

Tiếp theo, Sống là thương, nhưng chẳng vấn vương.

Thư pháp chữ Sống chuyên nghiệp đẹp tại Hà Nội


Đạo Phật nói về duyên nợ và buông bỏ. Nhưng đã thương thì phải vấn vương. Thương nhớ, trái tim rung động, xúc cảm, ám ảnh cuồng nhiệt. Đó là tất cả những gì chữ thương đem đến.

Sống là phải cảm nhận được hết những yếu tố mà thương đem lại. Thương chưa đến, mà đã buông vì sợ những vấn vương, sợ oán thù mà thương đem lại, thì lại chẳng phải thương, lại càng chẳng phải sống.

Ta sống không phải để ngại trãi qua 1 điều gì đó, để cắt đứt. Mà ta sống, là để trãi qua cuộc sống, để cảm nhận cuộc sống đem đến cái gì, và ta vẫn sống sót, sống chan hòa, sống tốt với những điều đó, mới là sống. Thương mà không vấn vương, thì thôi, đừng thương làm gì!

Ở đạo Phật, khi một tu sĩ muốn quy y, thì có 1 tập tục là phải cắt đứt chốn hồng trần. Để tâm an tịnh, chấp nhận tu hành khổ luyện và đi đến giác ngộ. Đấy là cách mà nhà Phật đi đến giác ngộ. Nhà thiền đơn giản hơn, đôi khi sự giác ngộ sẽ đến trong đúng 1 khắc, khi người ta chấp nhận xuôi dòng, trãi qua tất cả mọi thứ mà cuộc sống mang đến. 

Nhờ đi qua mọi thứ mà tìm thấy tâm an tịnh. Đó mà một quá trình cần rất nhiều sự dũng cảm, bởi lẽ, như tớ đã nói, yêu thương sẽ làm vỡ vụn trái tim cậu, và hành thiền giúp trái tim cậu được phục hồi, nguyên vẹn trở lại để tiếp tục yêu thương. Tiếp tục trả hết duyên nợ. 

Tớ đã thấy nhiều người chọn quy y, nhưng vẫn còn duyên nợ với nhân gian. Nên họ chủ động cắt đứt, lựa chọn không vấn vương nữa như vị tu sĩ này nói. Người ta chọn tu hành để thanh thản, nhưng người ta không rõ vấn đề là ở bản thân, hay ở chốn hồng trần. Tớ quá yêu cuộc sống này, nên đã chọn một cách khác, để không phải tách biệt nhân gian. 

“Sống vươn lên cho kịp ánh ban mai

Sống hiên ngang danh lợi mãi coi thường”

Tiếp tục, tác giả lại nhắc đến sự phát triển. Đúng, nhưng chưa đủ. Vì cuộc sống sẽ còn có sự lụi tàn. Và theo tớ, ánh ban mai không phải thứ để chúng ta vươn lên.

Sống là phải tự do, ánh ban mai là một thứ gì đó quá tốt đẹp. Phải chăng, trên đời ai cũng hướng thiện, hướng theo tốt đẹp, thì đây đã chẳng phải cuộc sống. Đã chẳng có vấp ngã, sai lầm, chấp niệm. Chẳng có âm, có dương.

Sống vươn lên, nghe cao cả, cao đẹp, đậm mùi triết lý. Nhưng lại là một triết lý khá khổ hạnh, khá phương Đông, đề cao tính tập thể. Thế còn cừu đen thì sao? Sống, đúng là phải vươn lên, nhưng vươn thế nào, vươn kiểu gì, vươn bao giờ, nhất định không chạy theo kịp cái gì cả.

Động từ phụ thuộc vào cái gì đó, để cho phép mình vươn lên, rất hạn chế sự Sống. Đây không phải Sống, đây là quang hợp. Còn sống thật sự, cũng là vươn lên, nhưng là đồng hành cùng ánh ban mai. Sẽ có những ngày không kịp đâu, cũng không hề hấn, vì ánh ban mai chẳng phải chân lý.

Ở câu này, quả là mỗi ngày tớ đều nghe câu “ Sống theo ánh sáng của mười phương chư Phật”. Nên tác giả là một tu sĩ, dĩ nhiên sẽ đi theo ánh sáng Phật pháp, đi theo cái mà người đi trước đã tìm ra. 

Cái việc đi theo này, tuy an toàn, và không sợ đi lạc, nhưng đồng thời cũng cướp đi sự tự do của một vị tu hành chân chính. Tu theo Phật, dĩ nhiên không có tự do, tu theo Đạo, lại đại diện cho tự do. Có thể vươn lên, có thể không. Đạo không cần cậu có quy cũ, cũng không cần cậu hướng thiện, hay sống theo điều tốt đẹp nào đang hiện hữu. Đạo chỉ cần cậu đón nhận, chấp nhận cho cuộc sống được tự do theo nhân duyên. 

Nếu là một cái cây, sẽ có loài sống ban đêm, có loài sống ban ngày. Có loại thích bò trường, có loài lại cần ánh nắng. Và cuộc sống sẽ tự nhiên cho loài đó biết mình cần điều gì. Mà muốn như vậy, thì đừng đi theo ánh ban mai, đi theo sự sống tự nhiên bên trong mình ấy. 

Câu tiếp theo: Sống hiên ngang, danh lợi mãi coi thường.

Nhà Phật khá hay, khi luôn dạy người ta tu khổ hạnh để đạt đến sự giác ngộ. Nhà thiền lại khác, đừng khổ hạnh. Cách nhanh nhất để đạt đến giác ngộ, là trãi nghiệm cho hết, để bản thân tự nhiên hiểu sâu sắc, để chiếc bản ngã hoang dã được phen rút kinh nghiệm.

Tại sao lại coi thường danh lợi? Không! Nên tôn trọng, bởi lẽ, danh lợi chính là một cánh cổng, để trãi qua, để hiểu. Khi không còn chấp niệm tự động sẽ không còn chạy theo. Chẳng có lý do gì phải ngăn cấm, ngăn cản danh lợi, vật chất, tiền của, yêu đương, sắc dục.

Đó không phải là Sống, ngăn cấm không phải là sống. Tự do mới là sống. Từ tự do mà có chân lý, có bài học. Từ tự do mà điều chỉnh, mà tìm cách làm chủ, mới là sống. Sống là đón nhận, chấp nhận, chứ sống không phải là từ chối, giữ lấy bất kì cái liêm khiết nào.

Người ta cưỡi ngựa, là học cách điều khiển dây cương, bằng sự đồng hành tin tưởng, bằng bản lĩnh, bằng trái tim. Người ta sẽ không cột chắc 1 con ngựa vào cái sào, và cấm nó đừng chạy. Con ngựa ấy là bản ngã. 

Danh lợi sẽ không ngăn cản chúng ta sống hiên ngang. Vì danh lợi nó tồn tại đồng lập, cậu lựa chọn chạm đến nó hay ôm lấy nó. Câu này rất đại diện cho tâm lý của tu sĩ, nghĩ bản thân sẽ không bị điều gì lay động, từ đó sống hiên ngang. Bởi trong nhà Phật : tham, sân, si là đại diện cho khổ ải. Mà danh lợi, tiền của, sắc dục, vân vân là những thứ nhà Phật gọi là mê mụi, dễ dẫn đến tham, sân, si.

Nên họ chọn cố gắng ngăn cấm. 

Thế là họ thà vuốt ve con ngựa, chớ chẳng muốn cưỡi nó vượt thảo nguyên. À thì, tu có thể là cấm, cũng có thể là điều khiển. Nhà thiền bọn tớ, sống không độc lập được như thế, bọn tớ luôn nghĩ vạn vật dung hòa, ta đại diện cuộc sống. Vậy nên khi cuộc sống có cái gì, mê mụi như nào, cũng dễ dàng được chấp nhận, mà không vướng lại. Chấp niệm đã đời như con ngựa rong chơi, khi mệt mỏi tự động sẽ về nhà mà không cần quản thúc. 


“Sống chan hòa với những người chung sống.

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.”


2 câu này cũng kì lạ nốt. Làm sao có thể sống chan hòa, khi bản thân lại không thể sống như chính mình cảm thấy ở những câu trên. Thế chỉ làm người ta ức chế thôi. Cố gắng chan hòa, vừa ý mọi người, nhưng tâm thân chưa ổn định, còn quá nhiều bất mãn, thì ở một số trường hợp sẽ là vô minh, tưởng thông minh nhưng lại không phải.

Nhưng cậu biết đó, cái hay nhất của nhà Phật là từ bi, hỷ xả. Tức là bất kì ai chân tu đều phải học thái độ từ bi, thương mọi người xung quanh, để sống được chan hòa, không khởi tâm sân mà gây chuyện. 

Ở một góc khác, nhà thiền bọn tớ không được gọn như thế. Vì bọn tớ phải trãi qua hết những lầm lỗi nhân giang mà cuộc sống mang lại, từ đó tự nguyện thấu hiểu những vụn vặt, không dễ thương của mọi người xung quanh. Khởi cái tâm đồng cảm, dễ tha thứ, dễ buông bỏ. Bọn tớ sẽ vẫn tham, sân, si. Vì đó là điều tuyệt diệu của tạo hóa trao gửi, nhưng sẽ biết cách để không tạo nghiệp, vẫn để khởi tâm, nhưng sẽ điều khiển, vuốt ve để cái tâm ấy tự dưng dịu xuống.

Ví như một đốm lửa, nhà Phật tìm cách để không bắt lửa, áp chế ngọn lửa từ đầu. Nhà thiền lại tìm cách để thấu hiểu ngọn ngành ngọn lửa, để lửa bùng lên hết có thể, rồi nhìn nó từ từ vụt tắt theo đúng tự nhiên. 

Ví như khi phát tiết, tu sĩ sẽ tụng kinh gõ mõ, khống chế cái tâm sân của mình. Thiền nhân sẽ điên tới cùng, gào thét hoang dã, rồi thôi. Ai cũng sẽ để ý thấy mình đang giận, nhưng sẽ có cách khác nhau để trở lại cảm xúc bình hòa. 

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến

Tâm vĩnh viễn không thể bất biến, bởi ta Sống giữa dòng đời vạn biến. Không phải bê tông mà lúc nào cũng giữ khư khư cái tâm an tịnh. Sống thế khổ lắm, khổ hạnh đức độ lắm. Mấy ai có được cái ý chí đó đâu? Hay ngược lại chỉ càn làm người ta mau nản, mau cảm thấy phi lí? 

Nên nói theo hướng khác, đó là tâm phục hồi. Nó sát thực tế hơn, linh hoạt và hữu dụng hơn. Tâm vẫn vạn biến, nhưng biết được cái vạn biến ấy là gì, kiểm soát được, nhìn thấy được, chớ không vô minh, mới là một cái tâm đúng. Đừng bất biến, đừng che dấu những sóng trào, cũng đừng kiểm soát bởi giáo lý giáo điều khi bản thân chưa có khả năng. Cứ bình thường thôi, làm dòng nước ngầm, đi qua mọi bẩn thỉu, rồi cũng chạy ra biển lớn.

Khá khen khi người tu hành chính là những người gặp nhiều oan gia nhất. Bởi cách hành tu của Phật không chỉ tách bạch nhân giang, mà còn thuần hóa bản ngã, tớ chứng kiến quá nhiều tu sĩ vốn chỉ nấp dưới ánh sáng Phật pháp, mà bản thân vẫn chưa kiểm soát được, bị ám ảnh nhiều bởi tâm bất biến. 

Kể một chút về hành trình giác ngộ của Phật, mà tớ được nghe. Phật chỉ dẫn đường cho người bớt khổ, và Ngài đã hành thiền dưới gốc cây bồ đề. Tâm không lay động giữa đói khát, mưa gió, hay sự khổ ải của thân xác. Sau này cũng có các sư thầy chọn tu theo lối khổ cực này, với hành trình vô cùng khắc nghiệt.

Con của Phật rất lắng nghe điều này, nên cũng cố gắng đi theo lối tâm bất biến. Thuần cho tâm mất hết những tham, sân, si, vì sợ vướng mắc. Nhưng họ quên, Phật có ý chí siêu phàm, cái sức vĩ đại mà người thường không thể có. Nên sống giữa dòng đời vạn biến, con của Phật lại càng phải có ý chí hơn, vì họ rõ ràng đi ngược dòng. 

Nên đa phần, người tu hành theo Phật rất dễ vướng phải tâm cao ngạo, nghĩ mình cao cấp hơn những người còn đang u mê, chấp niệm. Họ xem vòng luân hồi là nợ nần, khổ ải, xem đời là bể khổ, cần vượt qua.

Ví dụ một trường hợp, trong cuốn hiểu về trái tim của thiền sư Minh Niệm, câu chuyện thế này: 2 vị tu sĩ qua suối, thấy một cô gái cần giúp đỡ. Người anh đã cõng cô ấy qua. Và đi được 1 lúc lâu, người em tức giận, hỏi rằng vì sao lại phạm giới? Người anh chỉ cười, bảo anh đã để lại cô gái ở suối rồi, sao em lại mang theo?

Người anh là đại diện cho tâm bất biến của nhà Phật, người em lại là tâm vạn biến của nhà thiền, nhưng lại chưa đủ khả năng để làm chủ cái tâm đó. Anh ta hạn chế là đúng, thắc mắc cũng đúng, suy nghĩ người khác cũng cùng trình như anh ta cũng đúng, không hề sai. Nhờ đó vào lần sau, anh ta sẽ để ý hơn, làm chủ cái tâm nhiều hơn. Anh ta đã có một sai lầm phán xét, nhờ tự do không theo nhà Phật, nhưng nhờ sai lầm đó anh ta sẽ hiển nhiên đạt được tỉnh thức vào lần sau. 

Vậy, kể cả tâm vạn biến hay tâm bất biến, đều hướng về cái nguồn là làm chủ cái tâm. 

Ở nhà thiền, cuộc sống là điều tuyệt vời. Nợ nần là nhân duyên, thử thách là bài học, luân hồi là trưởng thành, và khổ ải là dấu hiệu để nhận ra bài học. Ta là cuộc sống, cuộc sống nuôi dưỡng ta, ta cũng nuôi dưỡng cuộc sống. Vậy nên, nhà thiền sẽ không để tâm bất biến, không quy cũ, càng không giáo điều. Họ luôn để mọi thứ tự nhiên tìm ra lối của riêng mình để về nguồn. 

Tóm lại, bài thơ này dành cho đại chúng, người mới bước vào con đường tu tâm dưỡng tính, tu hành, thì thật sự cần phải tách biệt, hạn chế để tâm lay động để dần biết kiểm soát. Cá nhân một người hành thiền như tớ, đi ở một con đường khác, muốn gửi gắm một chút tâm tư về các lối riêng biệt. 

Tu tập là cả đời, cho nên dù đi theo con đường nào, cũng cần đi đến cùng, và hạnh phúc với cái lối đi đó. Dù là nhà thiền, nhà Phật, hay nhà Chúa. Hài hước là, tớ vẫn hay thấy các nhà ngồi lại với nhau, đoán xem ai đi nhanh hơn, ai dễ thương hơn, ai là chân lý hơn. Giống như bài Sống này, vị tu sĩ cứ bảo ban sống là thế này, thế kia, nhưng ông nào biết có những cách khác để nếm vị sống thực sự. Ông với cuộc sống tách biệt như 2 thể riêng lẻ, ngược đời nhau. Ông quên rằng ông cần cuộc sống, cuộc sống cũng cần đến ông. 


Nhận xét

Dark Template