Thanh Phong Bùi Khắc Sáng

Bùi Khắc Sáng

Nghệ sỹ thư pháp - Nhà sáng tạo nội dung
  • Emailvnthudao@gmail.com
  • SĐT0966 966 007
  • Sinh nhật25 Tháng 4
  • Quê quánNam Định, Việt Nam

Im lặng là gì? Im lặng khi nào? Im lặng ra sao?

Im lặng là gì? Im lặng khi nào? Im lặng ra sao?


Im lặng khi nào? Im lặng như nào là đúng? Trong xã hội hiện nay. Khi phản ánh, chê bai một ai đó thì lại bị cho là soi mói, đạp người khác xuống để nâng bản thân lên. 

Bạn nghĩ sao về điều này? 

Tiểu thuyết gia người Mỹ Ernest Hemingway có nói: “ Chúng ta mất hai năm để học nói, nhưng lại mất hơn 60 năm cuộc đời còn lại để học cách im lặng ”.

Sài Gòn vẫn đang mưa, có lẽ vừa vào mùa, dạo này thời tiết lạnh lẽo, khiến tui cũng chẳng muốn mở miệng ra để nói. Tui cũng từng gặp 1 người như tui, nếu có thể gõ bàn phím, thì nhất quyết không chịu mở miệng.

Đặc trưng của 1 người hiếm nói là thế, nhưng có vẻ, chữ im lặng trong câu nói trên không có nghĩa là không nói 1 lời nào cả. Tui nói quá nhiều, đặc trưng của 1 người hướng ngoại là lanh miệng, nên câu nói trên, tui cá là để kìm hãm sự lanh miệng của tui lại. 

Sau một vài năm, cuộc đời giúp tui nhận ra, có vẻ họa đều từ cái miệng mà thành. Ban đầu tui không tin lắm, nhưng vì cái miệng hiếm khi biết cân nhắc của tui, mà cuộc đời vả tui không trượt phát nào. 

Hồi đấy, nét bốc đồng của tui hiện hữu bằng sự tức giận. Miền Nam hay kêu bằng cọc chó, nó được miêu tả chính xác bằng sự hung dữ của những chú chó giữ nhà, khi bị cột lại và đám trẻ ranh bắt đầu chọc ghẹo. Tui rất cọc, và mỗi lần cọc là một nguyên do khác nhau. 

Có người xem chỉ tay tui, bảo rằng tui nên kiểm soát lại sự ngông cuồng của mình, nếu không thì cũng không sống nổi quá 30 tuổi. Nghe xong tui cọc, tui hỏi ngược họ là ai, có trình độ gì mà phán như thế? Tui dùng mọi lời lẽ thách thức, hỗn hào để phản bác lại người ta, rằng bộ môn người ta theo là không đáng tin cậy, rằng quá nông cạn để phán tui như thế, nhiều!

Thời trẻ dại, ở tui không có khái niệm tôn trọng ai, hay kiềm chế cảm xúc của bản thân để không phát ngôn ra những lời độc địa. Tui còn nghĩ, bản thân càng độc mồm, chứng tỏ khả năng ban chữ quá điêu luyện, nên 1 thời gian dài, nếu không đi nhận xét người này người nọ, không ba hoa quá về bản thân mình, thì tui đi buôn chuyện.

Mỗi câu chuyện tui nghe được đều là lượm nhặt, rồi tui về thêm thắt sao cho hợp tình hợp lý. Chỉ một chút thêm thắt, tui nhận ra tui luôn có thể quyết định cái nhìn tốt xấu của người khác lên người này. Rất nghệ thuật, và cũng không hiếm chuyện tui không phân định được tốt xấu.

Đỉnh điểm, tui bị 1 người trong cuộc chỉ thẳng vào mặt, hỏi rằng có thực sự biết về hoàn cảnh gia đình, câu chuyện của người ta không, mà nói như đúng rồi thế? Đó là câu chuyện của 1 bạn học phải sống với ông bà, do ba mẹ không nuôi nấng, mà tui đã dệt thành 1 câu chuyện thị phi hơn.

Cuộc sống tui vẫn thế, đôi khi những câu chuyện sẽ làm tổn thương người khác, và được tui buông thõng thành “ không đúng à, vậy thôi” . Và bạn biết đấy, trong cuộc sống của tui những câu chuyện của phụ nữ, đa phần là thị phi, tam sao thất bản. Hiếm khi có ai soi xét ngọn ngành, hay nghe thêm từ nhiều phía. 

Và đôi khi, tui cũng là nạn nhân của thị phi, bị lôi ra bàn tán về thần kinh có vấn đề, hoặc thiếu sót trách nhiệm quá lớn trong cuộc đời mình. Đợt ấy, bố mẹ tui ngồi buôn chuyện mà nghe được, lo sốt vó, đòi đưa tui đi khám lâm sàng. Sau đó cũng không có chuyện gì xảy ra, thường buôn chuyện là vô thưởng vô phạt. Lâu lâu nhắc đến chuyện này, tui cũng gật gù đúng là nghiệp quật. 

Vốn dĩ, bản thân sẽ không bao giờ hiểu ra mình sai đến thế nào, nếu cuộc đời không để tui trãi qua việc làm nạn nhân bạo hành lời nói, của 1 người cũng thiếu kềm chế cảm xúc, cũng đồng mồm độc miệng. Đáng chứ, lúc ấy tui tổn thương 1 thời gian rất dài, rất sâu sắc. 

Từ đó về sau, tui quan sát bản thân nhiều hơn, để biết khi nào mình đang bốc hỏa, đang sắp làm tổn thương mọi người xung quanh, hay khi nào mà tui thiếu trách nhiệm trong lời nói của mình.

“Em cần biết, khi đau lòng thì anh mới buông lời ác,

Thật buồn cười, kẻ tổn thương lại muốn tổn thương người khác,

Right?”- Bray

Đó một sự chống chế cho việc cay độc của mình.

Như tui, cũng đã cho rằng việc mình hung dữ là do mình đang cố bảo vệ bản thân trước những bất công. 

Đôi khi, tui cũng hay suy nghĩ, nếu bạn đồng hành tự nguyện bỏ đi, tui cũng thấy bạn xứng đáng ở cạnh 1 người đủ khả năng kiểm soát hơn là ở với tui. Và trong thời gian thay đổi, tui cũng đã âm thầm chấp nhận sự việc có thể xảy ra đó, vì tui hiểu sự tổn thương của bạo lực lời nói là kinh khủng đến thế nào.


Rõ ràng, có 1 động lực to lớn để tui học chữ im lặng. Là im lặng khi tức giận, khó kiểm soát được lời lẽ của mình. Là im lặng trước thị phi, không sa ngã mà buông lời khẩu nghiệp, và im lặng trong cả việc khiêm tốn.

Hôm nọ, tui có được nói chuyện với 1 nhà văn mà tui rất yêu thích ở trên Phở Bò, tui an ủi anh ta bằng 1 vấn đề nào đó, và anh ta trả lời lại không đúng ý tui lắm. Tui của ngày xưa hẳn là sẽ nói về bản thân rất nhiều, hòng chứng tỏ tui cũng không thua gì anh ta, nhưng giờ tui lại nghĩ khác. Tui lựa chọn không nói về chính mình nữa, vì tui nhận ra, tui cố gắng không bằng anh ta, anh ta quá miệt mài, sự cố gắng đó nên được tôn trọng, chứ không nên đem ra so đo với sự miệt mài non trẻ của tui. 


Khi tui thiền, tui nhận ra bản năng của tui rất thường hay than vãn. Mọi người xung quanh tui cũng hay than vãn, về công việc áp lực, về cuộc sống không như ý, về đủ mọi thứ trên đời. 

Ngày xưa, có một bạn đã rất tức giận, khóc trước mặt tui rằng, vì sao bạn phải kiên nhẫn lắng nghe tui than vãn về 1 câu chuyện suốt 10 lần, mà tui lại chê sự than vãn của bạn là phiền phức, không muốn lắng nghe. Sau câu nói đó, bạn lựa chọn rời đi. Tui cũng để bạn đi, vì tui không hiểu vì sao người ta lại thích than vãn nhiều như vậy, cũng không hiểu vì sao tui từ chối lắng nghe lại nhận về 1 sự tức giận khó tha thứ.

Tui thiếu chân thành ha. 

Khi nhận ra bản thân mắc bệnh trầm cảm, tui cũng dần phải chấp nhận rằng, người mình tin nhất đôi khi sẽ phát bực, từ chối lắng nghe những lời bất mãn của tui về cuộc sống này. Cơ mà, 1 bệnh nhân trầm cảm thì nhìn đâu cũng sẽ thấy bất mãn, tầng tầng lớp lớp rất khó để tháo dỡ. Người bạn đó, có lẽ vì cảm thấy quá phiền phức, hay cảm thấy quá mệt mỏi, nên cũng đã lựa chọn rời đi.

Nhưng tệ ở chỗ, đó lại là người mà tui tin nhất trong giai đoạn đó. Nó không khác việc trời sập là bao. Và đúng, ngừng than vãn thật sự không giúp tui hết bệnh, hay người ta quay trở lại. Và tui buộc phải học cách chân thành lắng nghe bản thân mình, để tự cứu lấy chính mình.

Đó là một việc chất chứa quá nhiều kiên nhẫn, bao dung, và yêu thương. Lắng nghe, thấu hiểu, và tháo dỡ, những điều này đều cần phải học, tỉ mẫn và chăm chỉ, để có thể xoa dịu được nỗi lòng bất mãn của tui. Có lẽ tui nên cảm ơn bản thân mình nhiều thêm một chút, vì đã yêu thương mình như vậy.

Sau này, vũ trụ mang đến cho tui 1 người bạn mới, luôn sẵn lòng lắng nghe, bao dung cho tất cả mọi vấp ngã của tui. Lần thứ 2 trong đời, ngoài bản thân tui đã có người thực sự muốn nghe tui nói cái gì, và tình nguyện dành thời gian để thấu hiểu điều đó. Vô cùng tử tế, cũng vô cùng nuông chiều. Tui vì thế cũng học được cách chân thành, im lặng mà lắng nghe cuộc sống, những câu chuyện của bạn này. 

Có lẽ không cần nói quá nhiều để hiểu được sự vất vả của nhau. 

Im lặng khi nào? Im lặng ra sao?

Hồi mấy năm trước, tui được giao việc setup giá cho 1 cái tiệm Photocopy. Thân cũng đi dọ giá khá nhiều thời sinh viên, nên tui am hiểu lắm. 2 tháng đầu tui đặt cao hơn thị trường 30% vì mô hình kinh doanh và vốn xoay vòng ít. Sau đó, vì cái 30% đó hơi chênh với thị trường, nên bị chê mắc rất nhiều, tui đấu tranh với mọi người nhất định phải giảm giá. Đấu tranh đâu đó 1 năm, thì cũng ra được quyết định giảm giá. Nhưng lại là cái giá trước dịch Covid. 

Lúc đó tui tự cao lắm, cứ nghĩ mình rẻ hơn thị trường, đảm bảo đông khách. Nhưng không, vì khách lớn thường xuyên trễ thanh toán, nên đâm ra doanh thu mỗi ngày không đủ bù vào cái lỗ hổng đó. Nhưng tui nhất quyết không giảm giá, tui sợ lên thì người ta ghét, mình mất luôn khách quen.

Chủ lúc đó kêu tui ra nói chuyện vài lần, khuyên tui hay là nên tăng lên chút đỉnh, tùy ý tui lựa chọn. Nhưng tui không chịu, nhất định không chịu.

Khi khách lớn nợ lần thứ 2, thứ 3, doanh thu bắt đầu lỗ nghiêm trọng, vì vật tư đã bắt đầu hỏng hóc nhiều hơn, do chữ tín của bên xưởng cung chán quá. Nên lúc này, chủ đã phải đích thân chỉnh sửa lại giá. Trong suốt 2 năm đó, tui chưa từng bị la câu nào, cũng không bị khiển trách, vì chủ hiểu tui còn nhỏ, rất dễ hiếu thắng. 

Sau đợt đó tui biết mình sai, tự động không còn bướng bỉnh nữa, cũng nghe lời hơn. Không ai nói tui bướng bỉnh, hiếu thắng cả, vì sự im lặng tử tế đó mà giúp tui nhận ra bản thân cần chỉnh sửa lại mình. Rất là biết ơn.


Sau này, có lỡ thấy ai hơi hiếu thắng, hơi bốc đồng, tui cũng hiếm khi lên tiếng chỉ trích. Bởi tui hiểu ai cũng có tự ái, nhiều khi lên tiếng không đúng thì không giúp được gì, còn khiến người ta ngày càng đắm chìm hơn. Như tính tui ngày xưa, nếu mà không nhận được nhiều sự bao dung như vậy, còn ở lại những môi trường khắt khe, thẳng thắn, có lẽ tui vẫn còn tính chống đối cao, ngông cuồng không coi ai ra gì.


Và cuối cùng, 1 kiểu im lặng mà tui thấy khá hợp lý, trong thời đại công nghệ bây giờ. Cuộc đời tui đã có thêm 1 tôn chỉ, đó là không tranh luận về tôn giáo, chính trị, và fandom, cả trên mạng lẫn ngoài đời. Ít nhất thì trong cuộc sống, vẫn luôn có những ý kiến trái chiều, chưa hợp lý lắm với nhân sinh quan của mình. Và tui thường nghĩ, tranh luận là để cả 2 cùng học hỏi lẫn nhau, tiếp thu thêm nhiều góc nhìn mới. Nhưng với những trường hợp trên, thì tui có những kinh nghiệm sâu sắc rằng không nên tranh luận. Nó giống như một mình ra chiến trường, dù có anh hùng cỡ nào thì vẫn chết.

Hồi mà tui còn bốc đồng, có vô tình va phải 1 cộng đồng chánh kiến. Nơi tụ họp rất nhiều bạn trẻ cỡ tui, và được lãnh đạo bởi 1 bạn cũng trẻ. Cộng đồng này khá xôm tụ, và đúng là rất thích hợp với máu hiếu chiến của tui. Thì bởi vì nó là chánh kiến, nên tui đưa ra nhận định của riêng tui, nhưng vì lãnh tụ của cộng đồng đấy không đi theo hướng đó, nên là giống như thọt chân vào ổ kiến lửa, tui bị chửi tơi tả.

Bởi vậy, một kinh nghiệm sâu sắc của tui, xin nhắc lại : 

Tôn giáo, chính trị và fandom

Là những chuyên đề không nên đi ngược lại với đám đông, vì sẽ không bao giờ có thể là tranh luận. 

Làn sóng dư luận là 1 thứ gì đó rất kinh khủng, nếu vô tình tui, hay mọi người là tiêu điểm của sự chỉ trích. Nên để vượt qua những làn sóng bé nhỏ đó, tui thường xuyên tắt thông báo, và cũng hạn chế quan điểm cá nhân của mình lại. Vốn dĩ tui cũng là một người dễ tổn thương, lại không thích giải thích hay thuyết phục ai nghe theo mình.


Thiệt ra, im lặng không đồng nghĩa với việc ngậm mồm, không lên tiếng nữa. Mà theo tui, ở rất nhiều trường hợp đã được kể trên, rằng tui im lặng để lựa chọn cách nói năng khác, cách xử lý vấn đề tốt hơn, hoặc điều tiết cảm xúc tốt hơn. Tui không đẻ ra tự nhiên là có khả năng khéo léo, ăn nói được tinh tế, nên tui vấp ngã rất nhiều. Những sai lầm đó thực sự quan trọng, vì nó đã giúp tui ý thức và để ý lại lời ăn tiếng nói của mình được tốt hơn. Nhưng trong lúc giao tiếp, hay khi tức giận, thì vài ba giây ngắn ngủi đó vốn chưa từng đủ để tui ý thức được tui nên làm gì, nên nói cái gì.

Vậy nên tui chọn im lặng. Để cân nhắc, để suy tính, và để xử lý tốt hơn các vấn đề. Ít nhất thì không phải lúc nào cũng cần nói, nhưng bất cứ lúc nào cũng cần biết mình đang nói cái gì. 


Trong cuộc sống, tui rất thường xuyên được nhận lời khen chê. Khen thì tui nhận mà chê thì tui buồn. 

Hồi đấy, tui học dốt. Điểm đầu vào của tui cao nhất lớp, thông thường là giáo viên sẽ điểm mặt gọi tên. Rồi tui bắt đầu dốt, vì tui muốn chống đối đời học sinh. Cái sự dốt nó đã báo động đến hiệu trưởng, vì họ nghi ngờ chất lượng giáo viên không tốt, hoặc chất lượng đề thi không tốt, giáo án không tốt, hoặc vì lý do gì mà lại có thể tồn tại một học sinh kém như thế được.

Sau vài tháng nghiên cứu, họ phát hiện vấn đề không nằm ở chất lượng giảng dạy, mà nằm ở tâm lý của tui đang chống đối. Thế là, phụ huynh bị mời lên mỗi tháng, để chấn chỉnh lại thái độ học tập của con cháu.

Tui mỗi ngày, mỗi tiết, đều bị giáo viên kêu đứng lên, không chê trình độ chẳng xứng đáng để lên lớp, thì chê thái độ kém trách nhiệm với bản thân, chữ thì xấu, lại chẳng biết cải thiện. Bạn bè thì chê dốt nát, tẩy chay. Khá là kì lạ với một ngôi trường bình thường, nhưng ở trường tui, học dốt tức là thú lạ, người có nhu cầu học dốt nhất định sẽ không chọn ngôi trường này.

Chiêu khích tướng là được áp dụng với tui nhiều nhất, chê bóng gió thì mỗi tuần, còn chê thẳng, chê không còn nước để nói, thì xảy ra vào mỗi ngày. Và đúng, càng chê thì tui càng lì, càng phản tác dụng. Đợt đó trường đã phải hạ đề thi học kì, để cho tui lên lớp. Giáo viên đồng loạt kiếm điểm để đắp vào cái lỗ hổng mà tui tạo ra, sự việc này diễn ra 3 năm liền, và từ 1 học sinh bị chê bởi làm xấu mặt thành tích, trở thành 1 cá thể bị soi mói, không xứng đáng để lên tiếng.

Đôi khi tui có nghe mấy lời thế này:” sao nó không tiếp thu nhỉ? Chê là để cho nó tốt hơn mà? Có gì sai đâu? Đúng là không biết cảm ơn”.

À đúng, giống như cô ca sĩ nọ, hát không hay nên bị chê tơi tả, sau cô ta tiếp thu mà ra thị trường nước ngoài đấy. Nhưng tui khác, căn bản tui không có nhu cầu được giúp đỡ, càng không có lý lẽ nào để mong muốn tiếp thu theo cách bạo hành lời nói này. 

Suốt 3 năm đấy, tui bị chê là quan điểm lệch lạc, cách hành văn kém cỏi, tư duy không bằng 1 đứa trẻ. Những câu nói này tui nhớ hoài, vì thời điểm đó, từ chống đối, tui bắt đầu nghi ngờ bản thân mình, mà hoàn toàn từ bỏ việc tin là bản thân có thể tiếp thu được căn bản, hay có 1 tương lai đàng hoàng. 

Hệ lụy là, tui sau 3 năm học đó, đã thực sự từ bỏ tương lai, đánh mất chính mình, và sợ hãi xã hội. Và đúng, suốt 3 năm đó, tui chưa từng lên tiếng trước những lời chê bai kia. Nghe có vẻ nhu nhược, thì đúng là vậy.

Tóm lại, khi chê bai, phản ánh, đâu đó sẽ là mục đích mong muốn người ta cải thiện để tốt hơn. Giống như chê bai ngoại hình, chê bai tính cách, phong cách làm việc, chất lượng phục vụ, vâng vâng. Nhưng kèm theo đó, khi người bị chê không có nhu cầu, cũng không cần thay đổi, hoặc sai cách, thì dĩ nhiên ngoài tiêu cực hơn thì không có bất kì kết quả tốt đẹp nào cả.


Thế, còn khi chê mà có tác dụng đúng cách sẽ thế nào?

Dạo nọ, bằng 1 phép màu nào đó, tui học đại học. Là một ngôi trường nằm ở trung tâm thành phố, xa tít mù khơi. Mỗi ngày, tui cần 1 tiếng để có thể phóng xe đến trường. Rồi tui bắt đầu phải đối diện với vấn nạn teamwork lần đầu tiên trong đời. 

Nhóm tui phải làm một bài thu hoạch, về các tác phẩm văn học trên thế giới. Và nhóm có 7 đứa, bọn tui cần 3 ngày, tất cả đều duyệt trên mạng, 3 ngày đế chia line, kiểm tra thoại, và quay clip. Tức là tui rất cần cái mặt của các bạn để được qua cái môn nhàm chán này, môn mà tui còn chẳng đi học được mấy bữa.

Ngày thứ 1, 6h tui có mặt trước sân trường, đợi đến 7h ( hẹn 6h30) thì chỉ có đúng 1 bạn xuất hiện, tui đồng loạt nhận được tin nhắn cáo bận, nhà xa, lí do lí trấu. Lúc này tui cũng ráng giữ hòa khí, vì chưa cần thiết để cáu. Tui cặm cụi đi về, dặn các bạn buổi thứ 2 nhớ đến sớm, làm ơn, tui cũng mất 1 tiếng đồng hồ mới đến được. Ngày thứ 2, các bạn tận 8h mới đến, tui đợi rụng rời, làm việc không hiệu quả, tiến độ không chính xác, có nguy cơ phát sinh thêm ngày 4, tui cáu nhặn cả lên.

Hôm đấy, tui phát điên, chỉ trích từng người trong nhóm. Về thái độ, ý thức, trách nhiệm của họ. Tui cáu, tui bảo không cần buổi thứ 4, tui không rảnh đến vậy, nếu hôm cuối cùng ai trễ 15p thì không cần làm bài thu hoạch nữa, còn muốn qua môn thì bỏ tiền mua trà sữa cho những bạn phải phí thời gian cho sự vô trách nhiệm đấy.

Hòa bình tôn trọng lẫn nhau thì không muốn, ít nói hướng nội thì không muốn, cứ thích để người ta cáu. Vậy là buổi cuối cùng hôm ấy, phép màu thay ai cũng đến đúng giờ, có tui là mém trễ. 

Đến giờ tui cũng chưa có cách giải quyết tốt hơn, cho sự vô trách nhiệm của mọi người. Nhưng đảm bảo, tui không bao giờ im lặng cho qua, hay im lặng để giữ hòa khí. Nói nhỏ nhẹ đàng hoàng không xong, thì bắt buộc phải lên tiếng. 

Hội người hèn như tui, còn phải lên tiếng. Bởi vậy, ở nhiều năm, tui cần học tập việc nhẫn nhịn, nhường nhịn. Như việc ra đường mà thấy bất công, lượng được sức mình mà im lặng, không nên chính nghĩa. Lên mạng mà thấy bất cộng, lượng được sự mỏng manh của mình, mà im lặng, không nên chính nghĩa. Bị đối xử bất công, đôi khi tui cũng im lặng, không cần thiết làm chậm đội hình.

Có đợt phải tăng ca tận 5h sáng, phải làm việc tận 24 tiếng khiến ai cũng đơ ra, nhưng công việc không cho phép delay. Tui định đùa giỡn 1 chút cho mọi người lấy lại tin thần, nhưng lại bị lớn tiếng cho là phiền phức, đang làm chậm tiến độ mọi người, tui im luôn. Xong tui được phân công vào một công việc vô thưởng vô phạt, không hề giúp được gì, cũng được coi là không cần thiết.

Mát hết cả mặt, khi ấy lên tiếng cũng được, nhưng thôi, tui cũng cảm thấy không cần thiết. 


Trong xã hội hiện nay. Khi phản ánh, chê bai một ai đó thì lại bị cho là soi mói, đạp người khác xuống để nâng bản thân lên.


Trước giờ, 2 câu tui thường thấy, khi mọi người tiếp nhận lời chê bai:

- Ủa được như người ta chưa mà chê?

- Ủa quan điểm cá nhân, không chấp nhận được thì thôi.


Muốn chê cả 1 kì thi học sinh giỏi, nhất định phải là giải vàng quốc gia. Muốn chê 1 cuộc hôn nhân tệ hại, ít nhất đã phải kết hôn. Muốn chê 1 ca khúc, thì trình độ thanh nhạc phải cao hơn. Không thì không hơn không kém là 1 bình luận viên, chuyên reaction theo “ quan điểm cá nhân”. 


Tui có tò mò xem các bạn về quan điểm anh ngữ. Bạn thì chê học tiếng mà ra vẻ chuẩn nước ngoài làm gì, chêm chêm nửa nạc nửa mỡ, miễn sao nói người ta hiểu là được. Bạn thì chê nói giọng chả ra accent nào, thể hiện thế. Bạn thì chê mấy cái chấm không giúp được gì nhiều, tổ phong trào, bạn thì chê giỏi mà không có chấm thì chưa chuyên môn lắm.


Tui cũng mắc người. Đa phần là nghĩ bản thân cũng hơn người ta chút đỉnh, nên mới bắt đầu chê khen như vậy. Và bạn thấy đó, những câu vô thưởng vô phạt kia thường khiến nhập môn bối rối, hay cũng chẳng giúp ích được gì trên con đường học vấn của người ta. 


Có vụ chê vì ghen tị nữa cơ. Ôi xinh thế, những chẳng thiết thực, ra đường không sợ gió thổi, bụi bay vào makeup sao? 

Tóm lại, không ngoa khi có thể kết luận, phần đông lời chê không hợp lý, hầu như là soi mói, gato, đạp người ta xuống để nâng bản thân lên. 


Nó chiếm đại đa số, bởi khá khó để người ta có 1 cái chê tinh tế, đủ hiệu quả để giúp ai đó tốt hơn được. Còn người được chê, vốn là phải suy nghĩ nhiều hơn thế.

Với 1 người mỏng manh dễ vỡ như tui, phải rất lâu tui mới phân biệt được đâu là cái chê mà mình nên tiếp thu và sửa đổi, đâu là cái chê mình nên bỏ qua, không cần để tâm đến. Đa phần, tui sẽ tự ái đầu tiên, sẽ gào lên, và tiếp tục tự nghi ngờ chính mình.


Cơ mà dạo gần đây, tui lại chọn im lặng. Thứ nhất là tui không muốn tiếp chuyện, khi bị chê, vì kiểu gì tui cũng đau lòng nhè nhẹ. Thứ hai, là tui đủ không gian, thời gian để suy nghĩ xem lời chê đó đến từ mục đích gì, đến từ ai, có thiện chí gì hay không.

Khen thì nhiều khi tui không tin chứ chê là tui buồn thiệt á. 

Tóm lại, tui thấy im lặng chính là lựa chọn tốt nhất, để tìm cách giải quyết, lắng nghe, hay từ chối tiếp chuyện, từ chối thương đau. Im lặng đã giúp tui hạ được tính khí của mình, và cũng giúp tui khiêm tốn nhiều hơn. 

Bên cạnh đó, có những lúc im lặng không đồng nghĩa là đúng, nhường nhịn là tốt, nhưng chưa đúng, nhường nhịn quá cái ranh giới, giới hạn của bản thân thì được xem là nhu nhược. Bởi vậy, lên tiếng lúc này có lẽ là lựa chọn đúng đắn hơn. 

Đứng trước khen chê của thiên hạ, và ý kiến trái chiều. Tui và bạn đây hẳn chưa phải người trong showbiz, nên vẫn có thể dành nhiều  thời gian hơn để cân nhắc, rằng có nên chê không, hay có nên phớt lờ cái lời chê bai đó không. Vì dù sao cũng không thể làm hài lòng mọi người, mà đánh mất bản thân để hài lòng với mọi người là sai, ép người khác hài lòng với quan điểm, góp ý của mình lại càng sai.

Đôi khi cũng nên lên tiếng chê. Vì cộng đồng, vì những đứa trẻ đi sau.

Tui thuộc hội người hèn, nên hiếm khi dám lên tiếng chê công khai, hay phản ánh về chất lượng dịch vụ, lừa đảo một cách gay gắt. Nên tui rất là yêu thương và ủng hộ những bạn thuộc hội người dũng cảm, hay review, phản ánh cho tui những trung tâm kém chất lượng, những dịch vụ chưa tốt, hay những sản phẩm chưa thực sự chất lượng mà các bạn đã vô tình trãi nghiệm qua.

Sự chê của các bạn luôn giúp tui tiếc kiệm tiền, đỡ bị lừa, dưới tư cách là 1 genz chuyên gia đọc đánh giá 1 sao đầu tiên. Và cũng giúp tui né tất cả những thành phần lừa đảo, lùa gà, trước khi tui có nhu cầu trãi nghiệm.

Và hơn hết, khi tất cả mọi người đều đang có xu thế thảo mai, không muốn làm phận lòng ai cả, hay hạn chế ảnh hưởng lên bản thân hết sức có thể, thì động thái chê công khai của các bạn thiệt sự làm tui ngưỡng mộ, biết ơn vô cùng. 

 Sự chê đôi khi cũng có ích, vì chê không xấu, khi cách sử dụng của nó tốt và người sử dụng nó cũng tốt. 

Tui ngày càng lớn, càng chứng kiến nhiều khó khăn, cho nên cũng hơi kì, nếu cứ tiếp tục tạo ra khó khăn vô lý rồi đẩy lên cho người khác. Thế nên, trên nền tảng cùng phát triển dựa trên sự tôn trọng, tui welcome việc im lặng và lên tiếng một cách thanh lịch, có suy nghĩ, trước là tử tế với mình, sau là tử tế với mọi người. 


Nhận xét

Dark Template