Thanh Phong Bùi Khắc Sáng

Bùi Khắc Sáng

Nghệ sỹ thư pháp - Nhà sáng tạo nội dung
  • Emailvnthudao@gmail.com
  • SĐT0966 966 007
  • Sinh nhật25 Tháng 4
  • Quê quánNam Định, Việt Nam

Học thư pháp không nên bận tâm điều gì

Học thư pháp không nên bận tâm điều gì


2 thứ nên tránh đầu tiên của con người : là tự ti và kiêu ngạo.

Học thư pháp là một hành trình tương đối dài, đủ sức để soi chiếu và nhìn nhận lại các nhân dạng tính cách của một con người. Người ta hay nói rằng, đi đường dài mới biết ngựa hay, điều này mình chứng rằng con người khi tham gia những đoạn đường ấy, hoặc là bộc lộ được viên ngọc tiềm ẩn, hoặc là mài dũa ra thành viên ngọc quý giá.

Vậy thì, chúng ta nên để ý gì, và không nên để ý gì, khi bắt đầu hành trình học thư pháp của chính mình?

1. Năng lực của bản thân

Người ta hay cho rằng, phải có năng khiếu mới có thể thành tài ở bất kì bộ môn nào, nhất là ở những bộ môn mang tính thẩm mĩ và nghệ thuật cao. Nhưng, có lẽ ai đó đã quên rằng, chính tâm hồn mới là loại nghệ thuật bẩm sinh cao quý nhất. Nếu ai đó có một tâm hồn đẹp, việc tạo tác ra nó thành một tác phẩm chỉ còn là vấn đề của nỗ lực mà thôi.

Cho nên, chân thành mới là thứ chúng ta cần quan tâm đầu tiên, khi bắt đầu học thư pháp. Bởi nếu chân thành với chính mình, với con đường của mình, thì rất dễ nhìn nhận ra được khía cạnh phù hợp với bản thân trong thư pháp, dễ để tìm ra được hứng thú.

Có một sự thật rằng, mỗi người đều có một con đường riêng, tốc độ riêng, khả năng lĩnh hội riêng. Bởi vì vậy, nên thư pháp mới được lưu truyền và phát triển sáng tạo như hiện nay, mà không gò bó chỉ với những dạng thư thể cổ xưa, nhất định. Và cũng chính là lý do tại vì sao khi thư pháp Hán- Nôm sụp đổ khi hệ thống chữ quốc ngữ ra đời, thì thư pháp Việt vẫn có thể chuyển mình dưới những dạng thư thể sáng tạo khác.

Bởi vậy, giỏi kỹ thuật ở thư pháp là quan trọng, nhưng đó là nền tảng cần, còn nền tảng đủ phải ở cái tâm của mỗi người, để có được bút pháp, linh hồn chữ của chính mình.

Một số học viên khi theo đuổi con đường học thư pháp, thường có xu hướng so sánh tốc độ phát triển của mình, tốc độ lĩnh hội của mình so với đồng môn. Điều này thực sự không cần thiết. Bởi so sánh không đồng điều kiện chưa từng là nguồn gốc của bất kì sự phát triển nào, cũng là sự thất bại trong tư duy giáo dục lủng đoạn ở thập kỷ trước.

Tức là, không cần đứng đầu, chỉ cần tiến bộ hơn bản thân của hôm qua, tức là đã có giá trị. Điều này người ta gọi là phát triển, tự tin. Còn so sánh với chữ của đồng môn, phụ thuộc giá trị của người khác để nhìn ra giá trị của mình, được xem là tự ti, sẽ bị quay cuồng vào tâm thế so sánh và không hài lòng liên tục.

Thử hỏi, chữ của mình, sự tiến bộ của mình, mà mình không tự hào, lại chỉ cảm thấy vui khi giỏi hơn người khác, thì sao có thể chấp nhận được sự giỏi giang và tiến bộ của người khác để mà học hỏi đây?

Tự ti là một con sâu tưởng nhỏ bé mà nguy hiểm, lại vô tình ăn sâu vào nhận thức của người viết chữ, biến khiêm tốn thực thụ thành hành vi không thể công nhận, nhận thức tốt bản thân, từ đó không đủ tự tin để tiếp tục hành, hay lĩnh hội.

Vậy nên khuyên nhủ rằng, khi bắt đầu học thư pháp là tập quán chiếu, soi xét chính mình. Quan sát tự tiến bộ và trân trọng sức lao động của bản thân vào mỗi ngày, đó là giá trị ý nghĩa nhất, cũng là giá trị quan trọng nhất trong bất kì đoạn đường nào. Khắc khe với bản thân chỉ để hơn người, và tự ti khi đem so sánh chất lượng năng lực của bản thân với kết quả của người khác, là kém tôn trọng chính mình, cũng là kém tôn trọng cốt lõi của tư duy mà ngành thư pháp đem lại.

Có công nhận và nhìn thấy sự thay đổi, phát triển tinh tế của nét chữ chính mình, thì mới có thể tiến bộ ở thư pháp. Có vững lòng tin vào giá trị của bản thân, thì cái hồn trong chữ mới được hiện hữu rõ nét, đẹp đẽ, rực rỡ.

2. Điều kiện học tập

Dụng cụ giống như phương tiện, mà thông qua đó người ta có thể tiếp cận tốt với những bài học đầu tiên của thư pháp. 

Và đúng, nó là phương tiện. Tức là đi bộ hay đi máy bay cũng đều đến đích, chỉ là trãi nghiệm ở mỗi cung đường khác nhau. Người ta hay nghĩ rằng, phải sử dụng những bộ bút thật đắt tiền, sắm sửa các loại lông động vật khác nhau, để nhờ chất lượng bút mà có khi, nét bút sẽ đúng chiều đúng hướng, có thần hơn.

Người ta quên rằng, tay người cầm bút mới quyết định cái thần của bút.

Thật sự đúng là bút lông nhựa thì khả năng đàn hồi và ngậm nước dở tệ, không nên chọn. Nhưng giữa rừng phân loại bút lông động vật, thì cũng chưa cần để chọn loại quá đắt tiền, chỉ cần chọn loại đáp ứng đủ yêu cầu bền, để luyện tập là được.

Dẫu sao ở những bài học luyện nét đầu tiên, vẫn chưa cần ráp chữ, chưa cần học thư thể, cũng chưa cần sáng tạo, mà chỉ cần thuần luyện tập nhuần nhuyễn, thì dụng cụ hợp lý kinh tế, bền bỉ là đủ. Bởi nếu mua loại đắt quá mà không hiểu rõ đặt tính, cách sử dụng, bảo quản, thì giống như không gãi đúng chỗ ngứa vậy. Vừa phí phạm vừa phô trương. 

Đó là thứ 1, trang bị dụng cụ học tập.

Thứ hai, mọi người cho rằng, việc chúng ta không theo kịp đồng môn trong một khóa học là do bản thân vào sau, đó sẽ là một loại thiệt thòi. 

Như tớ đã phân tích, đây là một lối suy nghĩ tự ti. Bởi lẽ, cơ sở đào tạo luôn thay đổi giáo trình để phù hợp với học viên, không cần thiết tự ép mình bắt kịp tiến độ của đồng môn để so sánh, như vậy là chính thức bỏ qua tiểu tiết, tinh tế của những bài học cần nhiều thời gian để tự lĩnh hội với chính mình.

Thật không xứng đáng để đánh đổi.

Vào sau, không đủ thời gian để bắt kịp không phải thiệt thòi. Mà vô tình thay, sẽ học được kinh nghiệm, khó khăn của những bạn đi trước. Như vậy có thể vừa góp vốn kinh nghiệm của chính mình, mà cũng vừa đủ thời gian để quan sát năng lực của mọi người, từ đó học hỏi thêm nhiều phát hiện hay ho. Bởi lẽ kinh nghiệm của người chẳng phải của mình, chính bạn cũng phải đi qua những cung đường đó. Khi mỗi người có những cách nhìn nhận khác nhau khi đi qua cùng 1 cung đường, vô tình bạn sẽ có được những góc nhìn, lối tư duy phong phú hơn.

Vậy nên, đừng biến việc vào học sau thành một loại tự ti không bắt kịp người khác, vì đứng ở một góc nhìn khác, đó chính là cơ hội để ngắm nhìn, chiêm ngưỡng, cũng như học hỏi những lối tư duy, cách tiếp cận khác biệt để bổ sung cho chính mình. Và cũng không cần thiết để bắt kịp một ai cả, vì hành trình thư pháp tương đối rất dài, vội vã để bắt kịp cũng không để làm gì, chi bằng dành sức để đi từng bước chậm rãi, vững chắc cho chính mình vẫn hơn.

Thứ 3, nhà xa, không có điều kiện đến lớp thường xuyên.

Đây là một trong những lý do chúng ta không thể phủ nhật sự linh hoạt của những lớp, clip thư pháp online. Nó gần như là giải pháp thay thế hữu hiệu nhất để đáp ứng được nhu cầu học thư pháp khi không có điều kiện trực tiếp đến lớp.

Nhưng, tớ cũng đã chia sẻ những bất cập thường thấy để lưu ý lớp online, học trực tuyến không phải lựa chọn tối ưu nhất, hay đủ sức thay thế học trực tiếp nhé.

Cho nên, học online gần như là thách thứ về ý chí, cũng như khả năng tiếp thu, ý thức năng lực cá nhân ở mức tốt trở lên. Nhưng nó không có nghĩa là không thể, khi đam mê và sở thích bỗng nhiên gõ cửa. 

Khi lựa chọn học online bởi không có điều kiện đến lớp trực tiếp, thì cũng nên kết hợp luân phiên giữa on và off.  Thay vì tuần nào cũng đến lớp, thì có thể giảm lại 1 tháng một lần, tóm lại là phải có khía cạnh tương tác trực tiếp, mới có thể đi vững trên đoạn đường học tập này.

Ngoài ra, việc tìm thêm những nguồn khác nhau để mở rộng vốn tự học cũng là điều nên làm, và cũng sẽ là những trãi nghiệm phong phú, thú vị khác trong việc thiếu điều kiện đến lớp thường xuyên. Ví như, mở rộng sang thiết kế, học bố cục từ những nền tảng kiến thức hội họa, điêu khắc, typography, calligraphy. Tìm thêm nhiều đường khác để đi, khi không có điều kiện đi trên lối mòn chính thống.

Gọi là thách thức, nhưng cũng gọi là cơ hội nâng cấp khả năng linh hoạt của bản thân, để hiểu rằng không điều gì đủ sức ngăn cản bạn tiếp cận bất kì đặt thù nào của thư pháp cả.

Và đấy là 2 phần căn bản khi học thư pháp: Nội lực, ngoại lực.

Học thư pháp là một quá trình tương đối dài, pháp độ càng khó dần khi càng học lên cao, bởi vì vậy sau quá trình đó, thứ nhận được lại không chỉ là kỹ thuật ổn định, mà còn là nội lực ổn định, vững vàng. Nhưng không vì như vậy mà trở nên gò bó, khi cốt lõi của thư pháp Việt lại vô cùng tự do, sáng tạo, phong phú biết bao.

Cho nên, bất kể là vì lý do gì để bạn tiếp cận bộ môn thư pháp, hãy nghiêm túc, chuyên tâm và kiên trì. Không chỉ để luyện nét bút, mà còn là luyện tâm, nuôi dưỡng khí chất, dung dưỡng linh hồn. Mỗi một nét bút tiến bộ, là lại thêm một lần hoàn thiện chính mình nhiều hơn. Hãy để sự tiến bộ diễn ra thật chậm rãi, tự nhiên, và ổn định. 

Và trong thư pháp, không có thụt lùi. Chỉ có tự ti và ngạo mạn. Khi bạn thấu hiểu và né tránh được 2 lối tư duy này, thì tự nhiên bút pháp sẽ phát triển theo đúng lộ trình của tự nhiên đem lại. Không có lí nào chuyên tâm luyện tập, nhìn thấy lỗi sai mà liên tục sữa chữa, nhìn thấy cái hay mà liên tục học hỏi, mà lại thụt lùi? So sánh với ai để thấy bản thân thụt lùi? Nếu là so sánh với chính mình, thì người ta chỉ có thể liên tục tiến lên, chỉ là biên độ và vận tốc khác nhau, hoặc có chăng là bão hòa năng lực, không thể phát triển mà thôi.

Mà đoạn bão hòa này, thiên hạ gọi là ngạo mạn. Đủ giỏi để không cần học hỏi thêm. Vậy thì trái với quy luật phát triển của tự nhiên, hiển nhiên bị đào thải.

Lấy ví dụ, có bạn cho rằng bạn đủ tài năng để có thể đi nhanh những bước luyện tập nét. Viên bút một nhát là ra hình tròn, trứng gà hay trứng ngỗng đều được, không cần luyện tập nhiều. Bạn đánh giá thấp tất cả những bài học nền tảng nhất, vì nóng lòng muốn tạo tác tác phẩm cho riêng mình. Thế là cho dù bạn ấy chỉ mất tầm 1/3 thời gian so với mọi người, nhưng thứ bạn tạo tác vô cùng lõng lẻo, không chặt kỹ thuật. Vậy thì nhanh hơn chưa chắc giỏi hơn người.

Điều gì cũng phải học cả, trước khi đến bước sáng tạo. Dù đó là kỹ thuật đi nét, hay kiến thức sắp xếp bố cục của rất nhiều nội dung chụm lại trên một tác phẩm. Người ta thực sự không thể tự nhiên biết làm, càng không tự nhiên rãi ra sao cũng thành đẹp. 

Nếu ở xã hội rộng lớn kia, sự đào thải diễn ra theo xu thế phát triển, mà người sống trong đó chỉ có thể liên tục nâng cấp chính mình, bắt kịp xu thế. Thì ở thư pháp, sự đào thải đơn thuần chỉ là vì ngạo mạn nên không thể tiếp thu phát triển được nữa. Điều này tuy không khắc nghiệt như xã hội, nhưng lại công bằng và thực tế. Cũng không thể đổ lỗi do dù lý do đó là gì.

Một người có tư duy thích đánh giá thấp, chỉ biết mỗi mình mình tốt đẹp. Đánh giá thấp cả thời gian luyện tập, hay sự chỉnh chu của từng tiểu tiết, đánh giá những loại kiến thức mới nằm ngoài biên độ hiểu biết của chính mình. Kém tính tôn trọng, thượng nguồn, thì thật là đáng thương. Tuy không phải sai lầm, nhưng lại là một loại thiệt thòi, nỡ nào đóng chặt đôi mắt của mình trước sự hùng vĩ của cuộc đời. 

Và chúng ta đã điểm sơ qua những khía cạnh mà một người học thư pháp không cần bận tâm đến. Hi vọng đã cho bạn một góc nhìn an tâm hơn, để tiếp tục chuyên tâm trên hành trình của mình. Hãy luôn nhớ rằng, hành trình này là của riêng bạn, không có tác nhân bên ngoài nào có thể quyết định được nó, nếu có, thì đó là quyết định của chính bản thân bạn mà thôi.

Bởi vậy mới gọi thư pháp là bộ môn luyện tâm đấy. Luyện tâm an, tâm tĩnh, và tâm bản lĩnh đối diện chông gai. 


Nhận xét

Dark Template